Kết quả 1 đến 5 của 5
  1. #1
    Ngày tham gia
    Jun 2017
    Bài viết
    0

    Chăm sóc Chích chòe lửa dự thi


    (%) Nuôi chích chòe lửa để dự thi bạn sẽ thấy được những đặc tính hay của chòe lửa khi trải qua thử thách ở trường thi. Từ đó, có thể chọn ra những con có đặc điểm tốt để gây giống bằng cách cho sinh sản những chú chim có giọng hót tốt, đặc tính mạnh mẽ, phong cách chơi xuất sắc, loại vóc dáng ưa thích, đuôi trung bình mềm cong và những chú chim với bộ "lông không quá dày". Để tham gia cuộc thi, bạn phải chuẩn bị từ trước đó, có thể từ những chú chim tơ chỉ nên cho chúng sinh sản khi chúng trưởng thành hơn và đã kiểm tra trong cuộc thi.
    Vấn đề Dợt chim, đi dợt trong bao lâu ? tùy thuộc vào mục đích của bạn là gì. Nên nhớ rằng giống chim bảo vệ lãnh địa như chòe lửa chịu áp lực lớn khi nó được treo chung quanh các chú lửa trống khác với thời gian dài. Nếu mục đích là để thử độ can đảm và chịu đựng của con chim thì nó có thể treo trong chỗ dượt trên hơn 2 tiếng đồng hồ hay hơn thế. Nhưng thử nghiệm này không nên kéo dài nhiều lần. Nếu con chim mang đến chỗ dượt vài giờ mỗi tuần, nó cũng giống như một võ sĩ quyền anh có trận đánh lớn mỗi tuần. Nếu đi dợt nhiều và kéo dài, có thể dẫn đến 2 vấn đề:
    - Một là, Nếu con chim có nết mạnh mẽ, nó sẽ quá quen với các chú chim khác trong cội dượt và sẽ không biểu diễn hết khả năng của nó trong cuộc thi. Nó khó thẳng giải nhất vì sự quen thuộc với chim lạ mà mất đi sự kích thích để làm giọng hót hay cách biểu diễn ngoạn mục và nổi trội trên tất cả các chú chim khác. (không có điểm kích như một tia lửa điện)
    - Hai là, nếu tính nết của chú chim không mạnh mẽ, áp lực thường xuyên ở cội dượt có thể rất nặng nó khiến chú chim vào đợt thay lông trước định kỳ. Bộ lông chiếm 25% trọng lượng cơ thể chim. Hóc monn và dĩnh dưỡng cần thiết cho đợt thay lông trước định kỳ sẽ có xu hướng làm yếu con chim đi. Bạn sẽ thấy thật khó để đem lửa lại cho con chim như thế.
    Một con chim đạt đỉnh lửa sẽ rất dễ dàng trãi qua thời gian của cuộc thi, không cần phải dượt chim quá lâu nơi chỗ dượt để đem đỉnh lửa cho nó. Nếu muốn ở lâu nơi dượt chim để tán gẫu cùng bạn bè chung sở thích thì nên phủ áo lồng chim lại và để xa ra với các chú chim khác.
    Để chuẩn bị một chú chim vào cuộc thi các vấn đề sau đây cần lưu ý : dinh dưỡng, môi trường, chim đã thay lông xong, nó bắt đầu hót và biểu diễn ở nhà.
    Một con chim với độ lửa chưa có thì không nên mang đến chỗ dượt. Con chim như vậy sẽ bị đe dọa bởi sự hiện diện của các chú chim khác. Nếu độ lửa đang gia tăng, một vài phút ở chỗ dượt cũng sẽ có kết quả tốt.
    Điều trước tiên, đối với một con chim dự thi, là phải quen với việc vận chuyển. Nếu không, chỉ cần vận chuyển chim trong xe hơi, xe tải hoặc taxi sẽ làm chúng bị stress và gây bất lợi cho chim. Huấn luyện cho chim quen với điều này thì chim cần được mang ra ngoài nhà (đến nơi dượt chim) hai lần một tuần, cho đến khi chim hoàn toàn ổn định và hót trong khi đang vận chuyển.
    Kế đến, chim cần phải được làm quen với đám đông những người xung quanh nó. Nếu không, đây là một nguyên nhân gây Stress như môi trường ở cuộc thi quá đông người. Để huấn luyện chim quen người, có thể đặt chim ở những nơi có nhiều người thường xuyên qua lại, chẳng hạn như tại các quán cà phê. Ban đầu, nếu chim bị căng thẳng do sự hiện diện của con người, thời gian tiếp xúc có thể ngắn. Sau đó có thể lâu hơn, để chim quen đến nổi nó không nhớ là đang có nhiều người xung quanh. Thứ ba, chim cần được huấn luyện để nó cảm thấy thoải mái và sẽ hót ở bên ngoài nhà của bạn. Điều này là cần thiết vì chòe lửa có tính các cứ lãnh địa, nó sẽ không hót bên ngoài lãnh địa của mình trong tự nhiên. Để huấn luyện nó, có thể đem nó đến những nơi không có chích chòe lửa khác ngoại trừ những con lửa bổi như ở những khu bảo tồn …. Sau một vài lần ở bên ngoài, nó sẽ có sự tự tin để hót ở bên ngoài lãnh thổ của mình.
    Cuối cùng, chim sẽ cần phải quen thuộc với trường đấu. Nhu cầu này phải được cân đối với các đòi hỏi khác để nó không bị Stress. Vì lý do này, Nên để chim ở nơi dượt một thời gian ngắn. Nếu chim không hót ở nơi dượt, áo lồng nên được phủ kín và để lồng xa với chim . Có lẽ nó không phải là sẵn sàng. Trong trường hợp như vậy, vì lợi ích của con chim có thể tốt hơn là mang nó về nhà và cố gắng một ngày khác.
    Nếu bộ lông của chim bó sát cơ thể của nó và nó chịu hót và chơi tốt sau 20 phút giữa những con chim khác, có thể cho nó chơi 2 giờ. Không cần phải ở lại quá lâu để gây Stress cho chim.




    CHÍCH CHÒE LỬA DỰ THI Ở ĐỘ TUỔI NÀO ?


    Trước khi cuộc thi bắt đầu, mỗi chủ chim đến đăng ký với Ban Tổ Chức, đăng ký số và dán số vào lồng chim. Khi đến giờ thi, BTC sẽ bốc thăm từng vị trí để treo lồng lên sào. Các vị trí của các lồng trong cuộc thi do đó phụ thuộc vào may mắn. Nếu ông A có một con chim hay, đang ở đỉnh lửa, ông có thể muốn cho con chim của mình được nằm gần một con chim dử khác để chúng trổ hết tài năng của mình. Mặt khác, nếu chim của ông B không phải đang ở đỉnh lửa hoặc giả nó là chim tơ, ông B có thể muốn treo chim mình cạnh những con ít lửa hơn. Nếu chủ chim có nhiều chim dự thi, ổng sẽ mất nhiều thời gian để tìm nơi treo lồng vì sau khi treo xong, chủ chim được quyền thỏa thuận với nhau và thay đổi vị trí treo, nếu chim cùng chủ treo cạnh nhau.
    Độ tuổi nào, chích chòe lửa nên dự thi ? Có 2 trường phái tư tưởng khác nhau:
    Trường phái I : cho rằng một con lửa hay thì luôn luôn hay. Nói cách khác, tuổi tác không quan trọng và do đó miễn là con lửa trưởng thành về mặt hình thể, nó có thể được đăng ký dự thi nếu nó có lửa. Có con lửa đã giành giải nhất khi nó chỉ 18 tháng tuổi.
    Trường phái II: là một con lửa tơ không nên được đặt gần một con lửa già hơn đang ở đỉnh lửa. Vì lý do này và đặc biệt là do sự không chắc chắn về vị trí của lồng treo trên sào thi, chim tơ không nên dự thi. Tôi cũng tin rằng một con lửa tơ dự thi có thể có những ảnh hưởng bất lợi cho chim, đặc biệt nếu nó ở độ tuổi còn quá tơ, chẳng hạn như 18 tháng.
    Hiện tại, đa số theo trường phái thứ II, tức là những con chim chỉ có 1 hoặc 2 lần thay lông từ chim chuyền, không có khả năng thể hiện tốt nhất trong khi thi và những con chim đoạt giải ở độ tuổi này là ngoại lệ (chúng có tài năng bẩm sinh và thể hiện ngay từ khi còn tơ) . Chẳng hạn, nó biết chơi theo phong cách "đầu rắn hổ mang". Đây là thuật ngữ để chỉ chích chòe lửa vừa hót vừa gật đầu lên xuống như con rắn hổ mang khi phùng. Động tác này kết hợp với sàng cầu thì tuyệt vời !. Tất nhiên, chơi đầu rắn hổ mang không nhất thiết phải là dấu hiệu của một con chim trưởng thành.
    Một ví dụ: có 01 con chim 1 năm tuổi đã hót. Lấy một con chim 2 năm tuổi đặt gần một con chim 1 năm tuổi và trong vòng vài phút nghe và nhìn thấy con già hơn, Con 1 năm tuổi sẽ ngừng hót. Nó chứng tỏ rằng, con nhỏ hơn cảm thấy bị đe dọa. Sau đó chuyển lồng của của chúng xa nhau. Con 1 năm tuổi lại bắt đầu hót. Đây cũng là minh họa của những gì sẽ xảy ra trong tự nhiên, nơi nững con chim tơ sẽ không cố gắng để cạnh tranh với một con lớn tuổi hơn. Nên nhớ rằng giọng hót được sử dụng để thiết lập và phân ranh giới lãnh thổ và cho một lửa hót trong sự hiện diện của một con lửa khác là để tuyên bố rằng lãnh thổ này là của nó. Tức là chích chòe lửa có tính các cứ lãnh địa.
    Một con lửa hoàn thành thay lông đầu tiên từ chim chuyền được ví như một cậu bé đã dậy thì nhưng chưa đạt đến ông tướng. Nó chịu hót là để tìm bạn đời chứ không cố để tranh giành lãnh địa cùng những con khác. Tức là nó có khả năng giao phối nhưng Không có khả năng chơi ở một cuộc thi lớn hơn, mạnh hơn và chi phối nhiều hơn bởi nhiều con chim già hơn. Đặc tính này cũng giống như sư tử hay chích chòe than, con lớn hơn về tuổi đời sẽ có ưu thế hơn, khi lớn chúng tự tách bầy và tìm lãnh địa cho mình.

    Như vậy, chích chòe lửa dự thi ít nhất là sau 02 năm tuổi




    GIỌNG HÓT VÀ CÁCH LUYỆN GIỌNG CHO CHÍCH CHÒE LỬA
    Chích chòe lửa ở các vùng miền khác nhau sẽ có giọng hót khác nhau. Mặc dù chúng có thể học giọng hót mới khi nuôi nhốt lồng. Một con chim bổi sẽ trổ giọng rừng mạnh mẽ và giọng hót đó có nguồn gốc từ địa phương mà nó sống.
    Nếu bắt chim con từ trong ổ, nó sẽ thiếu giọng hót của lửa vùng đó khi chúng trưởng thành sau này. Nếu những chim con này được nuôi mà không có chim thầy trong những tuần đầu, chúng cũng sẽ bị giới hạn trong việc “hót hò” nhiều giọng khi trưởng thành. Trong khi đó, chim chuyền được bắt từ tự nhiên ở một giai đoạn già hơn, có khả năng hót giọng của địa phương đó sau này khi trưởng thành và những chú chim tơ đánh bắt hoang dã cũng tiếp xúc với chim thầy trong vài tuần đầu tiên, để khi trưởng thành chúng hót nhiều giọng hơn. Điều này xác nhận một lý thuyết cho rằng có một khoảng thời gian học tập rất quan trọng trong những tuần đầu của cuộc sống và chích chòe lửa con sẽ lưu giữ các giọng hót mà chúng nghe được vào bộ não. Giọng hót của những con chim cha, chim gần đó và một số âm thanh từ môi trường tự nhiên ở đó sẽ được coi là “giọng địa phương” của chúng.
    Các nghệ nhân ở các vùng miền khác nhau có cách đánh giá khác nhau về giọng hót của chích chòe lửa từng vùng miền. Ở một số nơi, đánh giá cao chất lượng giai điệu của giọng hót và ở những nơi khác, chú trọng nhiều giọng và không nhất thiết phải là chất lượng giai điệu. Một số nghệ nhân khi nuôi chim con, họ giảm thiểu những âm thanh không mong muốn trong môi trường xung quanh và cho chúng tiếp xúc nhiều với “giọng địa phương” tốt. Trong các vùng miền khác, nhiều người hướng tới sự đa dạng, khả năng bắt chước âm thanh của động vật khác hoặc các âm thanh tự nhiên của rừng núi xung quanh. Trong mọi trường hợp, khả năng bắt chước để phát triển giọng hót thông qua việc học từ những chim khác của cùng một loài cũng như từ các loài khác là khả năng nổi trội ở chòe lửa và được nhiều người ưa thích.
    Mặc dù chúng có khả năng sao chép các giọng của các loài chim khác, nhưng các giọng hót này có thể khác nhau về phẩm chất âm từ các nguồn. Chúng cũng có khả năng bắt chước âm thanh nhất định từ môi trường xung quanh, chẳng hạn như các âm thanh của còi xe, còi báo động nhưng có vẻ như những âm này chỉ xuất hiện khi nó đi chuyện và ít được ghi nhận khi nó hót lớn. Thanh quản là cơ quan phát ra giọng của chim. Nó bao gồm hai phần nằm gần khí quản và có màng đàn hồi cao. Các cơ của thanh quản kiểm soát sự căng lên của màng bởi khí từ phổi và điều chỉnh áp suất không khí, chim có khả năng kiểm soát độ ồn và cường độ của âm thanh phát ra từ thanh quản. Hai mặt của thanh quản có thể hoạt động độc lập với nhau và phát ra hai “tông” riêng biệt đồng thời. Một số chích chòe lửa có thể làm được điều này, chúng hót một giọng với đồng thời hai “tông”.
    Trong quá trình thay lông, chim sẽ ít hót hơn vì vậy nên phủ áo lồng thường xuyên hơn và cho chúng tiếp xúc với chim hót khác (Không phải chích chòe lửa) với nhiều giọng hót được ưa thích. Chích chòe lửa sẽ ghi lại và ghi nhớ âm thanh đã nghe. Thời gian sau, khi gặp con lửa khác, nó sẽ hót giọng mà nó đã ghi nhớ trước đó, giọng của nó sẽ khác, sắc và to hơn. Vì vậy, điều quan trọng là lựa chọn những con chim thầy cho nó, và tránh xa những chú chim đồng loại căng lửa hoặc chim khác có giọng không hay lắm.
    Thời kỳ thay lông, chim ít hót, chủ yếu là lắng nghe. Nếu muốn nghe nó hót giọng yêu thích sau đó, chúng ta tập nó với chim khác để nó học giọng. Khả năng này khác nhau ở mỗi con, vì vậy chúng ta phải chọn được con tốt nhất. Có thể cho nó nghe tiếng dế kêu (dế trống), tiếng mưa rơi-thác đổ .v.v. Khi quan sát ở trường đấu nhỏ (3-5 con) chúng ta có thể phát hiện chúng đe dọa con khác bằng cách thay đổi “tông” và có thể thấy những chú chim tỏ ra sợ sệt khi nghe con khác đổi “tông” lạ, đột ngột. Nếu nó sợ hãi nó sẽ im lặng. Mặt khác, mọi người tỏ ra không thích chòe lửa hót giọng đơn điệu.




    ĐÀO TẠO CHIM HÓT VÀ CHỌN THỜI ĐIỂM DỰ THI


    Khuyến khích nuôi lồng lớn nhất có thể (#53-54 cm đường kính), nhất là đối với chim còn tơ. Khỏang không gian này là thích hợp cho sự phát triển về thể chất của chim. Lồng phải được đặt trong một góc phòng yên tỉnh, tránh được gió lùa và ánh nắng trực tiếp.
    Việc huấn luyện chim hót phụ thuộc rất nhiều vào sở thích của mỗi cá nhân. Một số có thể muốn dạy con chim của mình hót giọng rừng giống như những con chim từ hoang dã , một số khác lại thích những giọng hay, lạ, ngắn … Cũng nên biết rằng, giọng hót của chim đa phần là do thừa hưởng. Một giọng hót đơn điệu có thể được cải thiện chút ít trong khả năng của nó để hót nhiều giọng sau khi được đào tạo nhưng chưa bao giờ có thể được phát triển thành một giọng hót xuất sắc.
    Một con chim tiềm năng có thể phát triển giọng rừng của chúng trong giai đoạn đầu mà không cần phương pháp đặc biệt. Một con chim khỏe mạnh có thể hót du dương hàng giờ. Để tránh mất tập trung, đi dượt chim 2-3 giờ mỗi ngày, các lồng có thể được phủ ½ áo lồng. Giọng hót của chim sẽ phát triển tốt trước đợt thay lông đầu tiên.

    Vào thời kỳ thay lông, để tập giọng cho chim tơ, có thể cho chúng nghe giọng chim khác lòai hoặc giọng chim hay. Băng đĩa của giọng chim hót xuất sắc cũng có thể được sử dụng để hổ trợ đào tạo.
    Thông thường, một con chim non được nuôi dưỡng tốt sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với chim lạ khác sau đợt thay lông đầu tiên (6-10 tháng tuổi). Các tần số và volume của giọng hót sẽ tăng dần. Khi chim đạt đỉnh lửa, vòm họng sẽ biến từ đỏ nhạt đến đỏ sẫm hoặc màu đen. Sau đó sẽ là thời gian tốt nhất để đánh giá về khả năng “hót hò” hoặc tiềm năng và cách chơi hoặc là thời điểm thích hợp được chon để dự thi.
    Giai đoạn tiếp theo là tập cho chim làm quen với môi trường lạ, đám đông và các loài chim khác. Thông thường là mang chim đến nơi dợt thường xuyên – Nơi mà các nghệ nhân khác cũng mang chim của họ đến để tập luyện. Một chòe lửa đã được đào tạo tốt sẽ bắt đầu hót ngay sau khi nghe các giọng của chòe lửa khác và trong một số trường hợp có thể cho nó học giọng của chim khác lòai.

    Hành vi tự nhiên của chích chòe lửa



    Chòe lửa thường nhút nhát và ít hót trước thời gian làm tổ. Chúng ít xuất hiện sau mùa sinh sản. Trong tháng sáu, tháng bảy và tháng tám, chích chòe lửa sẽ hăng hái đáp trả những ai di chuyển vào cội của chúng. Giọng hót của chim trống sẽ to và mạnh mẽ ở giai đoạn này.
    Trong trường hợp nuôi nhốt lồng, mất 2-3 tháng để hoàn tất việc thay lông và sẽ đạt đến đỉnh lửa sau 2-5 tháng. Chúng có thể được cho thi hót trong thời kỳ này.
    Những nguyên nhân làm cho chim thi không tốt thường do ăn quá mức, tập luyện quá mức, thay đổi thức ăn …

    Chích chòe lửa trong tương lai



    Những chú chim có giọng hót nổi bật cùng phong cách chơi xuất sắc là rất hiếm, chúng cần thiết được bảo tồn thông qua việc sinh sản trong nuôi nhốt lồng.
    Trong hoang dã, thời kỳ thay lông kéo dài và không rõ rệt, chim đạt lửa trong tháng 6 --> 8, thời kỳ mà chúng sẳn sàng đáp trả lại đối thủ.

    Thông thường chim đạt đỉnh lửa vào mùa xuân – đó là quy luật chung của muôn loài. Khoảng thời gian trước tết nguyên đán đến khoảng tháng 3 âm lịch là thời cực thịnh của chim, chúng năng động, đủ lửa và tranh lãnh địa, tranh mái trước khi bước vào mùa sinh sản khoảng T3 và T7 âm lịch, sau đó là thời kỳ thay lông kéo dài đến gần tết rồi bắt đầu chu kỳ mới.
    Khi nuôi nhốt lồng, mùa thay lông đến sớm hơn, khi trời lác đác vài đám mưa đã có con bắt đầu thay lông ! dĩ nhiên là: mỗi con mỗi khác, mỗi năm mỗi khác và tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
    Trong quá trình huấn luyện thì tập thể lực đóng một vai trò khá quan trọng, đành rằng phần lớn nó tùy thuộc vào tố chất của mỗi con chim. Ở những cuộc thi, những chú chim đuôi quá dài, hoặc chơi quá năng động lúc đầu, hoặc chim tơ không/ít được tập lực … khó lòng chơi bền, thường hụt hơi ở giữa hoặc nước cuối – thời điểm quan trọng của cuộc thi




    CÁCH LUYỆN THỂ LỰC THEO GHOZZE


    Ở mỗi vùng khác nhau có một cách huấn luyện hoặc có tiêu chuẩn đánh giá khác nhau. Điểm nhấn mạnh, đó là việc đào tạo thể lực ban đầu nên được tiến hành giống như cách mà một đứa trẻ được dạy để đi bộ - với các bước nhỏ và trong thời gian ngắn.
    Các phương pháp huấn luyện thể lực khác nhau thường sẽ cho kết quả tương tự. Nhiều người muốn đầu tư thời gian và nỗ lực để có được có 01 chú chim tốt, không phải chỉ có duy nhất một phương pháp mà tất cả mọi người đều làm theo. Sau đây là phương pháp tương đối phổ biến:
    Thỉnh thoảng nên cho chim vào một lồng lớn (2m chiều dài, 1m chiều rộng, 1m chiều cao) để tập lực cho chim. Trong cái lồng lớn, chim sẽ bay nhiều cho đến khi mệt (5-10 phút). Thường xuyên làm như vậy và lâu hơn dần trong ngày. Trung bình 2-3 lần/tuần, kéo dài hàng giờ.
    Cung cấp mồi tươi nhiều. Ví dụ: Dế (10-20 con/ngày), sâu,…, đặc biệt là trứng kiến. Với thức ăn yêu thích như trứng kiến, chúng sẽ siêng hót hơn. Thông thường, chòe lửa ăn 100gr trứng kiến trong 3 ngày mà mỗi ngày chỉ cho một muỗng cà phê mỗi buổi sáng và buổi chiều. Loại này không bảo quản được lâu vì thế đôi khi chúng ta nên giữ nó trong tủ lạnh, và rã ra trước khi ăn. Việc này cần phải kiên nhẫn vì mất nhiều thời gian.
    Đối với đào tạo khả năng chịu đựng, cũng đơn giản, chim có thể bay nhảy nhiều như trong tự nhiên. Trong nuôi nhốt lồng, ít vận động, ăn nhiều, chim sẽ mập ra mà ít hót, ngay cả trong cuộc thi. Đôi khi sức chịu đựng của chúng giảm xuống ở giữa của cuộc thi, giọng hót của nó sẽ không có lực và trở nên đơn điệu. Vì vậy, chúng ta phải cho tập thể lực nhiều trong chuồng chim lớn.
    Ngoài ra ở cuộc thi, mọi người ồn ào, nhiều chủ chim còn có cách (gây ồn ào) để kích con chim của mình, vì vậy chúng ta phải tập cho chim không bao giờ căng thẳng trong bất kỳ hoàn cảnh nào ?
    Việc thả chim vào chuồng lớn sau đó bắt ra-không phải là vấn đề lớn. Tuy đôi lúc có thể gây hốt hoảng cho chim. Có khi mất đến hơn mười phút mới đưa được nó ra lồng nhỏ nhưng chỉ cần chờ đợi 5 phút nghỉ ngơi, nó sẽ ngay lập tức cất giọng. Không còn căng thẳng nữa. Chúng có thể hót suốt ngày, chiến đấu với con khác, sức chịu đựng của nó thật sự ok. Đặc biệt là việc luôn đập đuôi trong thi đấu, có thể giảm nhanh thể lực của chim, vì vậy chúng ta nên tập luyện lực và độ bền cho nó. Trong cái lồng lớn, chim thường đứng ở một chổ khá lâu, vì vậy cần phải làm cho nó năng động lên (nhảy, bay). Thực hiện điều đó từng bước, lần đầu tiên cho nó vào lồng lớn và để nó một mình. Sau đó từ từ sẽ kích cho nó tập bay nhảy.

    Tại sao không tập lực bằng cách cho bay trong nhà ?



    Có thể cho nó tập bay trong phòng ở nhà nhưng phải có phương pháp để khuyến khích nó bay. Chim ngoài thiên nhiên phải hoạt động nhiều để tìm thức ăn. Trong điều kiện nuôi nhốt, thực phẩm dồi dào và nó không cần phải nỗ lực nhiều như thế. Có thể tập cho nó di chuyển một mức độ nào đó trong một phòng lớn bằng cách ném các loài côn trùng nhỏ sống xa nó mỗi khi cho ăn. Tuy nhiên, chỉ ném loại thức ăn mà chim thích ăn mới kích thích nó di chuyển được. Dù gì đi nữa, thì tập trong lồng bay vẫn là một phương pháp an toàn và khoa học hơn.
    Tập khả năng chịu đựng của chim bằng cách cho chim bay trong một cái lồng lớn đem lại hiệu quả và sự thú vị. Không nên có hành động mạnh bạo nào gây Stress quá mức cho chim. Tuy nhiên, một stress có mức độ không phải là không cần thiết.

    Vài suy nghĩ về việc gây căng thẳng (Stress) cho chim



    Trước hết nên nhận ra rằng tất cả các hình thức tập thể lực đều liên quan đến một số căng thẳng. Nếu không có sự căng thẳng có thể không có sự tiến bộ. Khi chúng ta tập thể dục, chúng ta đang gây sự căng thẳng ở cơ bắp. Khi chúng ta học hỏi, làm căng thẳng đầu óc. Trong ý nghĩa này, căng thẳng chỉ đơn thuần là phương tiện để làm cho tâm trí và / hoặc cơ thể được đặt trong một tình huống tích cực mà nếu bình thường sẽ không đem lại lợi ích, kinh nghiệm hay kết quả nào !
    Stress từ tập thể dục có thể hoàn toàn tránh được bằng cách nằm nghỉ trên giường. Nếu chúng ta làm như vậy, trong khoảng một tuần, các cơ bắp sẽ bắt đầu teo. Căng thẳng từ việc học có thể tránh được bằng cách không suy nghĩ gì cả. Kết quả cũng không thể được tốt.
    Do đó chúng ta thấy rằng căng thẳng, như vậy, không phải là một điều xấu. Nó là cần thiết để có một cuộc sống lành mạnh cả về tinh thần và thể chất.
    Điều quan trọng là để kiểm soát mức độ căng thẳng mà chim phải chịu. Chúng ta chỉ xét việc căng thẳng liên quan đến tập thể lực. Một con chim có lửa nhiều sẽ năng động hơn khi lửa yếu. Hoạt động năng động này là đủ để giữ cho nó có một thể lực phù hợp nếu nó được nuôi trong một không gian đủ lớn mặc dù nó có thể tốt hơn từ các phương pháp tập thể lực khác.
    Trong thời kỳ chưa đủ lửa như khi con chim sắp thay lông hoặc sau khi thay lông, chim có xu hướng ít hoạt động hơn. Nếu không tập thể dục đủ, nó sẽ dư chất béo nếu lượng thức ăn nó ăn không giảm.
    Ngay cả khi thức ăn giảm xuống, điều này chỉ cắt giảm chất béo nhưng không có gì để xây dựng cơ bắp của chim. Đối với chim, để phát triển cơ bắp, để nó sống một cuộc sống lành mạnh, nó phải di chuyển và bay. Chúng ta phải làm như thế nào ?
    Trước hết phải cho chim vào một cái lồng lớn (theo Ghozze). Lồng hay chuồng chim có một kích thước lớn hợp lý . Hoặc có thể tập cho nó bay nhảy ở trong phòng trong nhà (theo Shanlung ).
    Một chuồng lớn để nó tập lực là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải có cách để nó chịu bay nhảy bên trong. Nó chỉ bay đến nơi mà nó thích và sẽ ở lại đó một thời gian vì vậy thời gian để tập lực là ít. Dùng cây để làm chim di chuyển (?). Không khuyến khích vì có thể làm chim kiệt sức, sẽ dẫn đến một kết quả quá căng thẳng. Những căng thẳng sẽ gây ra thay lông trước định kỳ. Ngay cả một lần căng thẳng lớn có thể dẫn đến một đợt thay lông. Khi chim bay nhảy do sự căng thẳng này, nó sẽ không có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi
    Những gì cần phải làm là để gây ra một stress tối thiểu, tập cho nó quen dần qua thời gian. Điều này cho phép nó có thời gian để trở nên quen với tình hình hơi căng thẳng và học cách chấp nhận nó như bình thường
    Ghozze khuyên không nên gây căng thẳng quá mức bằng cách tập luyện ít ở những ngày đầu. Cần tập chim làm quen với động tác kích chim bay. Khi đã quen, có thể tập lâu hơn. Làm thế nào để đánh giá nếu chim bị Stress quá mức? Nếu nó há miệng và thở hổn hển, tức là đã bị căng thẳng nhiều. Mục tiêu của bạn nên ngăn việc hoạt động quá mức trước khi điều này xảy ra. Tức là tập giống như một đứa trẻ đang tập đi.

    Kích cho chim bay bằng cách nào?


    -Dùng thức ăn hoặc chim khác để kích nó di chuyển.
    -Dùng tay hoặc với một que cây nhỏ.
    Không cần phải nói, phương pháp đào tạo là dành cho chim đã tương đối thuần hóa. Nó không dành cho các chim chưa thuần thuộc vì chúng dể hoảng ngay cả hành động nhỏ của bạn..
    Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng đuổi chim bằng cây. Cây ở đây là chỉ được sử dụng như một phần mở rộng của cánh tay để chim di chuyển theo hướng mong muốn. Như Ghozze nói, tất cả những gì các bạn phải làm là kích chim bay đến cành tiếp theo. Chúng cũng khó bị căng thẳng quá mức.
    * Thông thường khi nuôi chim đá, người ta mới nghĩ đến việc tập lực cho chim, sẽ là thiếu sót nếu nghĩ rằng chim hót không nhất thiết phải làm như thế vì trong các cuộc thi hót, ngoài giọng hót, phong cách chơi thì lực – độ bền đóng một vai trò quan trọng.
    Phải cẩn thận trước khi cho vào lồng tập lực, nếu là chim đã quen lồng hoặc là chim tơ thì ít gây trở ngại gì. Nếu là chim chưa thuần thuộc hoặc nuôi vài năm mà chưa quen lồng tập lực, chúng sẽ bị hoảng, bay loạn xạ, bu nóc lồng, tuột móng ... và khó bắt ra ngoài. Điều này, đòi hỏi bạn phải tập bằng cách chọn thời điểm chim căng lửa mới tập và cường độ từ ít đến nhiều cho chúng quen dần.L-)

  2. #2
    Ngày tham gia
    Feb 2016
    Bài viết
    0
    Ðề: Chăm sóc Chích chòe lửa dự thi

    Thanks bác..bài viết quá hay và bổ ích

  3. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Ðề: Chăm sóc Chích chòe lửa dự thi

    Bài viết hay nhưng mà dài quá, đọc hết bài mất 20 phút. Thanks bạn cho mình những kinh nghiệm quý báu!

  4. #4
    Ngày tham gia
    Dec 2016
    Bài viết
    0
    Ðề: Chăm sóc Chích chòe lửa dự thi

    chủ top lấy bài viết này ở đâu thì nhớ chú thích nguồn nhé, bài này của một ông bên singapore viết và được các bạn việt nam dịch lại.

  5. #5
    Ngày tham gia
    Dec 2015
    Bài viết
    0
    Ðề: Chăm sóc Chích chòe lửa dự thi

    đọc mệt quá.............................................. .....

 

 

Các Chủ đề tương tự

  1. Chăm sóc chích chòe lửa bị tụt đuôi?
    Bởi ag1111 trong diễn đàn Sức khỏe và dinh dưỡng
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 02-27-2014, 04:55 PM
  2. Cách chăm sóc chích chòe lửa?
    Bởi bodamgiare106 trong diễn đàn Kiến thức chung về CCL
    Trả lời: 6
    Bài viết cuối: 10-01-2013, 03:39 AM
  3. Chăm sóc chòe lửa
    Bởi aiphuonggg trong diễn đàn Kiến thức chung về CCL
    Trả lời: 3
    Bài viết cuối: 07-03-2013, 04:29 AM
  4. Chăm sóc chòe than cho lính mới.
    Bởi trqdzung trong diễn đàn Thảo luận chung
    Trả lời: 12
    Bài viết cuối: 04-07-2012, 04:50 PM
  5. chăm sóc cho chòe than vào dịp tết >>>>
    Bởi nguyenphuong113377 trong diễn đàn Thảo luận chung
    Trả lời: 7
    Bài viết cuối: 01-22-2012, 04:15 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •